1. Ý NGHĨA CỦA TRÀ ĐẠO:
Trà đạo Nhật Bản bắt nguồn từ vị thiền sư Esai (1141-1215) sau khi qua Trung Quốc tham vấn đạo ông mang về một số hạt trà và trồng trong sân chùa Kyoto Nhật Bản.Theo năm tháng người Nhật không ngừng nghỉ kết hợp giáo lý Phật Giáo và nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà đạo, tạo nên những nét độc đáo trong văn hóa uống trà đạo của người Nhật. Trà đạo giúp con người thư thái tâm hồn, hòa vào thiên nhiên đất trời và trải rộng tâm hồn tới sự an lành, thánh thiện.
Tinh thần của Trà Đạo được thể hiện qua 4 chữ : Hòa – Kính – Thanh – Tịnh (和 – 敬 – 清 – 寂).
- Hòa (和) : sự hài hòa giữa Trà Nhân và Trà Thất, giữa những Trà Nhân với nhau, và giữa Trà Nhân với những dụng cụ pha trà.Thể hiện sự giao hòa giữa những khoảnh khắc ở phút giây hiện tại trong cuộc sống.
- Kính (敬): sự tôn kính, kính trọng, hay tôn trọng những Trà Nhân, những sự vật hiện hữu tại giây phút trong hiện tại, thể hiện một sự trân trọng, biết ơn. Một nghệ thuật sống của sự khiêm nhường, giảm cái tôi.
- Thanh (清) : sự thanh khiết, khiết tịnh trong tâm, một cái thâm thánh thiện, hài hòa, khiêm nhường.
- Tịnh (寂): ở đây chỉ còn là mặt kết quả, khi tâm hoàn toàn được an trú tại giây phút hiện tại, con người sẽ ý thức được từng cử chỉ, từng hành động, từng lời nói. Không suy tư quá khứ, không tương lai, mọi sự chỉ trong giây phút này, tại đây và ngay bây giờ.
Bốn chữ Hòa – Kính – Thanh – Tịnh như là một thước đo của mỗi Trà Nhân để tìm đến sự an lạc, an nhiên trong cõi lòng. Chính những điều đó đã tạo nên ý nghĩa cao cả và giá trị nhân văn với con người.
2. NGHỆ THUẬT TRÀ ĐẠO :
* PHÒNG TRÀ (茶室‐chashitsu) :
Phòng trà thể hiện sự nhẹ nhàng, thanh tao, ấm áp và mến khách của chủ nhà. Khi khách đến nhà sẽ được chủ nhà mời ly nước nóng ấm tại phòng đợi rồi dẫn khách đến khu vườn dẫn đến phòng trà. Vườn trong phòng trà mang những nét đẹp yên ả và thanh bình. Khách sẽ rửa tay tại vòi nước có sẵn của phòng trà. Chủ nhà mặc trang phục Kimono truyền thống cúi mình đón khách vào ngưỡng cửa phòng trà. Ở Nhật lối vào phòng trà thường khá thấp nên mọi người đều phải cúi mình khi đi lại thể hiện sự khiêm nhường, tôn kính. Trên tường của phòng trà người Nhật thường treo những bức thư pháp, những chiếc quạt giấy kiểu Nhật, những bức tranh thủy mặc và có cả những bình hoa được cắm vào những lọ hoa bằng gỗ hoặc bằng tre biểu hiện sự chào đón của chủ nhà với khách. Người uống trà ngồi xếp bằng trên “Tọa cụ”, loại nệm ngồi những người tọa thiền . “Trà cụ” được bày ra trên bàn gồm có: Ấm, chén, bình đựng trà, bình chuyên, bình hãm trà, bếp lò than, nồi châm trà, gáo pha trà, đồ gạt trà.
* TIỆC TRÀ CHÍNH
Tiệc trà lớn kéo dài tầm 4 giờ đồng hồ, trước khi tiệc trà, khách được thưởng thức một chiếc bánh ngọt hình dạng và màu sắc như hình lá momiji, hình hoa sakura. Trong thời gian này, chủ nhà tiến hành các bước pha trà. Người pha trà sẽ đun nước bằng bếp lò than, sau khi nhận biết nước trong nồi đun vừa đủ độ nóng thích hợp họ mới bắt đầu tráng ấm chén, rồi bỏ trà vào ấm.Nhẹ nhàng dùng chiếc gáo bằng gỗ múc nước trong nồi đun chế vào ấm trà. Sau khi hãm trà trong vài phút để trà được hòa vào nước mà vẫn giữ nguyên hương vị của nó, rót vào bình chuyên, rồi từ bình chuyên mới châm trà vào chén. Việc cuối cùng là đặt những chén trà lên bàn, mời khách dùng trà với một cung cách lễ phép.
Cách thức uống trà của khách cũng được quy định nghiêm ngặt. Trước khi uống, khách để hai tay xuống sàn nhà, cúi đầu chào mọi người, rồi cung kính nâng chén trà lên xoay chén ba lần theo hướng kim đồng hồ, sau đó từ từ uống. Khi uống xong, khách lại xoay chén theo hướng ngược lại về chỗ cũ rồi nhẹ nhàng đặt chén xuống. Ngụm cuối cùng, khách thưởng thức trà nên có kèm theo một tiếng “khà” nho nhỏ để biểu thị sự tán tưởng, khen ngợi. Khi tất cả đã uống xong, người khách lại cúi mình chào một cách kính cẩn rồi mới ra về.
* NGHỆ THUẬT UỐNG TRÀ ĐẠO :
Trà đạo ở Nhật là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, an nhiên với cuộc sống, tu tâm dưỡng tính để đạt giác ngộ.
Nghệ thuật uống trà đạo của Nhật Bản bao gồm các bước sau:
*Bước 1: Chuẩn bị nước pha trà.
Tuyệt đối không bao giờ lấy nước đang sôi để pha trà,nước pha trà đựng trong một bình thủy hay nước được nấu trong một cái ấm kim khí không nắp trên bồn than rất yếu để giữ nước ở khoảng 80-90 độ C.
*Bước 2: Làm ấm dụng cụ pha trà, tách uống trà được tráng bằng nước sôi trong bình thủy để làm ấm dụng cụ, sau đó dùng khăn lau khô trước khi sử dụng. Cho trà vào ấm pha trà.
*Bước 3: Pha trà
Với loại trà xanh cỡ trung bình, người ta thường pha trà 3 lần khác nhau như sau :
-Lần 1 : Được pha với nước nóng ở khoảng 60 độ C, để trà ngấm khoảng 2 phút . Nước sôi từ bình thủy được rót ra một cài bình trà khác (hay chén tống) để giảm nhiệt độ trước khi cho vào bình pha trà.
-Lần 2: Pha với nước nóng khoảng 80 độ C trong khoảng 30-40 giây, có nghĩa là cho nước vào ấm pha trà , hơi lắc nhẹ và rót ra tách cho khách ngay.
-Lần 3: Nước pha ở nhiệt độ khoảng 90 độ C, cũng khoảng 30- 40 giây. Nước có thể rót trực tiếp từ bình thủy vào ấm trà, vì nước sôi khi qua các giai đoạn rót vào bình thủy.
-Với những loại trà ngon đặc biệt, người ta có thể pha trà lần thứ 4 hay lần thứ 5 , nhưng loại trà thường thì chỉ pha nước thứ 3 đã thấy nước trà nhạt và không có vị ngon nữa.
Lượng nước pha trà: Người pha trà phải biết ước lượng cho bao nhiêu nước pha vào bình trà, tùy vào loại trà khác nhau để ước lượng nước sao cho ly trà ấm mát mà có nước lên màu xanh đẹp.
*Bước 4: Cách rót trà
Không bao giờ rót trà cho khách một lần đầy tách rồi rót tiếp cho người khách kế tiếp! Vì như thế sẽ không có vị nhạt vị đậm trong mỗi chén trà. Người ta rót theo vòng tròn mỗi chén trà một ít rồi ngược lại.
*Bước 5: Cách uống trà
Khi uống trà xanh người Nhật phải ăn một vài loại bánh ngọt để làm gia tăng hương vị của trà.Trước khi uống trà, người ta ăn vài miếng bánh (phải ăn hết bánh trong miệng rồi mới uống trà, không nên vừa ăn vừa uống ). Rồi từ từ thưởng thức ăn thêm bánh và uống trà .
Với cách uống trà cầu kỳ, độc đáo và tinh tế này của người Nhật đã đưa cách uống trà Nhật trở thành một môn nghệ thuật mà cả thế giới phải nể phục và thưởng thức.
3. TRÀ ĐẠO VÀ CUỘC SỐNG NGƯỜI NHẬT:
Người Nhật uống trà đạo để giải trí trong một bầu không gian tĩnh lặng, thư giãn tinh thần và sự hòa hợp với thiên nhiên. Tinh thần của trà đạo hướng đến sự hài hòa, an lành, thanh tịnh giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.Qua nghi lễ của một buổi tiệc trà cũng như ý nghĩa, nét đặc sắc của trà đạo Nhật Bản, chúng ta có thể nhận biết thêm một số nét đặc trưng của nền văn hóa Nhật Bản cũng như tính cách của họ. Mỗi người trong một buổi tiệc trà đều cung kính, lễ nghi như cúi gập mình khi chào hỏi, lễ phép, khiêm nhường khi nói chuyện. Học được tính cẩn thận, tỉ mỉ, nhẹ nhàng, khéo léo và ngăn nắp khi thực hiện từng hành động trong một buổi tiệc trà. Học trà đạo cũng như khiếu thẩm mỹ, sự cảm nhận nghệ thuật trong cách thưởng trà, ngoài việc thư giãn tinh thần còn có ý nghĩa giáo dục rất cao.Chính vì thế nên cả thế giới đều nể phục người Nhật bởi mỗi người Nhật đều toát lên những đức tính quý báu. Văn hóa uống trà đạo của người Nhật Bản.