Nếu như ở Việt Nam, khi khám phá trải nghiệm du lịch Tây Bắc, người ta thường nghĩ ngay đến việc tắm lá thuốc của người Dao đỏ – một trong những trải nghiệm thú vị, hay nói đúng hơn là một trong những việc “phải làm” khi đặt chân đến đó. Thì ở Nhật Bản, tắm ONSEN cũng là một nét đẹp trong văn hóa của người Nhật mà mỗi một du khách hay thậm chí ngay cả người bản địa cũng đều “mê mẩn”. Lần đầu nghe cụm từ “tắm Onsen” chắc hẳn ai cũng thắc mắc: Onsen là gì? Vì sao tắm Onsen lại thu hút đến vậy? Có thể tắm Onsen ở đâu khi ta đang vi vu ở Nhật? Cuối cùng, với những “fan” trung thành của du lịch và luôn muốn trải nghiệm cuộc sống nơi mình đến thăm, thì hẳn sẽ tự hỏi: “Làm thế nào để tắm Onsen thật “choảnh” như người Nhật? Hay chí ít là không “bị lúa”? Chúng ta cùng giành ra 5 phút để trở thành “người tắm Onsen chuyên nghiệp” nhé!
1. Onsen là gì?
Onsen thật ra đơn giản là suối nước nóng. Khi đọc theo âm Hán ngữ thì Onsen là Ôn Tuyền, “Ôn” là ấm, nóng, còn “Tuyền” là suối. Đó, nên khi nói tắm Onsen chỉ đơn giản là nói đến tắm suối nước nóng. Thế nhưng việc tắm suối nước nóng lại trở thành một trong những nét đẹp văn hóa của Đất nước mặt trời mọc, mê hoặc du khách thập phương. Tất cả đều có lý do của nó, tiếp tục tìm hiểu tiếp nhé!
2. Sự lôi cuốn của “nghệ thuật” Onsen.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà tắm Onsen trở thành “đặc sản”, và cũng không phải tự nhiên mà tắm Onsen được liệt vào danh sách “Những việc phải làm khi ở Nhật”. Mà việc tắm Onsen đã hình thành và có lịch sử lâu đời trong đời sống sinh hoạt của người Nhật. Từ xa xưa, nước Nhật vốn là một nước nông nghiệp, sau khi kết thúc vụ mùa từ khoảng mùa thu đến mùa xuân năm sau, người dân thường đến các suối nước nóng ngâm mình để thư giãn, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Ban đầu, tắm Onsen là tắm lộ thiên (trong tiếng Nhật là rotenburo hoặc notenburo), trải qua quá trình phát triển với bề dày văn hóa lịch sử thì ngày nay hình thức tắm Onsen trong nhà lại trở nên thịnh hành và được ưa chuộng.
Sở dĩ tắm Onsen có sức hút đến vậy là vì ngoài giá trị văn hóa truyền thống, thì nhờ vào lượng khoáng chất dồi dào trong nước,tắm Onsen còn có tác dụng điều trị các loại bệnh thông thường như: đau dây thần kinh, đau cơ, khớp, vai, gáy, bệnh đường tiêu hóa mãn tính… và giúp xua tan mệt mỏi, giảm stress. Nhờ từ những tác dụng trên, Onsen đã được chia thành 02 loại: Tắm Onsen trị liệu và tắm thông thường. Tùy thuộc vào nhu cầu, mỗi người sẽ chọn cho mình kiểu tắm phù hợp, nhưng dù là kiểu tắm nào thì cũng đem lại những lợi ích nhất định. Chẳng thế mà cứ vào các dịp nghỉ hay cuối tuần, người Nhật lại dẫn cả gia đình, bạn bè hay thậm chí cả công ty đến các vùng nông thôn nơi có Onsen để thả mình vào khung cảnh thiên nhiên, xua tan mọi mệt mỏi áp lực công việc chốn bon chen thành thị.
3. Có thể tắm Onsen ở đâu?
Sự hoạt động của núi lửa – yếu tố thiên nhiên khắc nghiệt đã “ban tặng” cho Nhật nguồn suối nước nóng được xem là dồi dào nhất thế giới với khoảng 150 suối nước nóng và 1400 nhánh nhỏ trải dài trên khắp nước Nhật. Do đó, để được trải nghiệm loại hình tắm này tại xứ sở hoa anh đào tuyệt nhiên chẳng phải điều khó khăn gì. Tuy nhiên, một số suối ở Nhật chỉ được xem là Onsen khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về nhiệt độ và khoáng chất.
Một số địa điểm mà được dân tình bình chọn là top những nơi tắm Onsen tuyệt nhất là: Yufuin Onsen, Hakone Onsen, Kusatsu Onsen, Beppu Onsen, Ibusuki Onsen, Arima Onsen, Sibu Onsen, Kurokawa Onsen, Noboribetsu Onsen, và Gero Onsen. Nhớ note lại nhé!
4. Những quy tắc cần nhớ khi đi tắm onsen.
Thời đại 4.0 nên khi tắm cũng phải thật “sành điệu”, nhưng làm như thế nào?
Để không “bị lúa” hay thậm chí là “phạm phải điều kiêng kỵ” khi tắm Onsen, bạn nên nằm lòng 8 quy tắc vàng sau:
Quy tắc 1: Cởi bỏ dép, quần áo đúng nơi quy định
Việc thực hiện đúng quy tắc này rất quan trọng với người Nhật, vì họ không muốn Onsen bị vấy bẩn. Còn lưu ý nữa là phải cởi bỏ toàn bộ y phục kể cả đồ lót nhé. Tuy nhiên, hiện nay có một số nơi có cho phép tắm cả đồ lót, vậy nên với những bạn còn ngại ngùng việc thoát y, chúng ta có nơi để “làm điều mình thích” rồi.
Quy tắc 2: Tắm sạch sẽ trước khi bước vào bồn tắm Onsen
Bạn phải tắm sạch ở các phòng tắm trước rồi mới bước vào bồn Onsen. Lưu ý: Bạn sẽ không được phép bước vào trong các buồng Onsen nếu trên người còn bẩn hoặc dính bọt xà phòng, sữa tắm…
Quy tắc 3: Khăn tắm
Khi vào tắm Onsen bạn sẽ được cấp 2 chiếc khăn tắm bao gồm 1 khăn to và 1 khăn bé. Khăn to để lau người và để ở nhà tắm, còn khăn bé mang vào buồng Onsen, tuy nhiên bạn nhớ không được nhúng nó xuống nước mà đặt nó lên đầu hoặc vắt ở thành bồn tắm.
Quy tắc 4: Đầu tóc
Đầu tóc phải gọn gàng, với người có mái tóc dài thì cần phải búi buộc hoặc dùng chiếc khăn nhỏ cuốn lại. Để đảm bảo nguồn nước sạch, thì việc lặn xuống hay chỉ đơn giản là nhúng tóc xuống nước để tóc ướt cũng là những điều cấm kỵ.
Quy tắc 5: Hình xăm
Văn hóa Nhật vốn có cái nhìn nghiêm khắc với hình xăm, do đó, với những người có hình xăm sẽ không được hoan nghênh ở đây. Ngày trước, những người có hình xăm không được phép vào tắm Onsen. Do lượng du khách quốc tế tìm đến hình thức tắm này ngày càng đông, Nhật dần có cái nhìn cởi mở, tuy nhiên với những Onsen thuộc sở hữu nhà nước thì cấm tuyệt đối những người có hình xăm để tránh tiếp xúc các bang đảng tội phạm.
Quy tắc 6: Tiếng ồn
Tất nhiên khi bạn đến một nơi để thư giãn và xả stress thì những tiếng ồn lớn sẽ càng khiến bạn khó chịu. Thế nên việc gây ra tiếng ồn tại các buồng tắm Onsen tuy không phải là điều nghiêm cấm, nhưng sẽ khiến bạn trở nên “bớt sang” và làm ảnh hưởng đến “sự nghiệp” thư giãn của người khác nữa. Vậy nên, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên vẫn là phương châm hàng đầu khi đến những khu tắm Onsen.
Quy tắc 7: Rượu
Chẳng ai muốn đi thư giãn mà lại bên cạnh một người sộc mùi rượu đúng không? Nên là để thật “sành điệu” nước đóng chai vẫn là số 1. Mà quan trọng hơn hết, nếu uống rượu xong mà đi ngâm mình thì lượng cồn trong máu và nhiệt độ cao có thể khiến bạn bị tăng huyết áp, cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng.
Quy tắc 8: Chụp ảnh
Nguyên tắc 1 khi tắm Onsen là phải cởi bỏ hết quần áo, vậy nên bạn không được phép chụp ảnh để đảm bảo tính riêng tư. Tuy nhiên, nếu bạn muốn check-in sống ảo khung cảnh xung quanh, bạn có thể xin phép nhân viên ở đó.